Vùng Wallonie - Vương quốc Bỉ, cửa ngõ đến thị trường Châu Âu

In

VIETRADE - Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Đầu tư và Ngoại thương vùng Wallonie, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vùng Wallonie - Vương Quốc Bỉ, cửa ngõ đến thị trường Châu Âu” vào ngày 20/3/2014. Hội thảo nhằm giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường Châu Âu và nội dung về Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU sắp được kí kết.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ không ngừng phát triển trong những năm qua nhờ tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước. Thương mại song phương đã tăng 70% trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2013. Hiện tại Bỉ là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ sáu của Việt Nam với tổng giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2013. Mặc dù là một nước nhỏ với 30.278 km2 và dân số chỉ có 10,4 triệu người nhưng với sức mua cao và là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa sang các nước khác thuộc EU nên thị trường Bỉ có tiềm năng lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Laurent Pierart – Tham tán Kinh tế và Thương mại vùng Wallonie tại Việt Nam nhấn mạnh, Wallonie là vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển thương mại, kinh tế… Việt Nam có thể tiến đến thị trường Châu Âu thông qua vùng Wallonie và Bỉ luôn luôn tạo điều kiện để giúp đỡ Việt Nam về việc xuất nhập khẩu hàng hóa vào Châu Âu.


0._hoi_thao_Bi

Bỉ là một thị trường quan trọng trong khu vực EU đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bỉ có nhu cầu nhập khẩu cao, hầu hết những mặt hàng mà Bỉ nhập của Việt Nam cũng là những mặt hàng có thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam như giầy dép, dệt may, thủy sản, túi xách... Bỉ cũng là thị trường lớn về nhập khẩu mặt hàng đá xây dựng, đồ gỗ, than đá, cao su và cà phê của Việt Nam.

Năm 2013, giầy dép là là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Bỉ, đạt kim ngạch 516,4 triệu USD, chiếm 38,9% thị phần, tăng 27,64% so với năm 2012. Đứng thứ hai về kim ngạch sau mặt hàng giày dép là hàng dệt may với 158,4 triệu USD, tăng 6,55% và hàng thủy sản tăng 16,51% đạt 106,8 triệu USD…

Trong số các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch thì mặt hàng sắt thép có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng 551,88% mặc dù kim ngạch chỉ đạt 6,1 triệu USD.

Việt Nam xuất khẩu ngày càng nhiều qua các cảng biển và cảng hàng không của Bỉ sang thị trường Châu Âu. Nếu mặt hàng nào đã thành công tại thị trường Bỉ thì sẽ thành công trong thâm nhập thị trường EU nói chung. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tất cả các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật, yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa... đều được đặt ra một cách nghiêm khắc.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bỉ, théo ý kiến của các chuyên gia, ngoài việc tăng cường sự hiện diện của sản phẩm thông qua các hội chợ một cách thường xuyên, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển mình một cách mạnh mẽ, từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh về năng suất, chất lượng để giữ được chữ tín trên thị trường Bỉ nói riêng và thị trường Liên minh Châu Âu (EU) nói chung.

Yếu tố nâng cao chất lượng cũng cần được tính đến, bởi lẽ thị trường Bỉ cũng như các nước EU mặc dù chấp nhận giá rất cao, nhưng cũng có những yêu cầu hết sức khắt khe về chất lượng sản phẩm, kèm theo đó là chế độ hậu mãi và cam kết rõ ràng.

Vùng Wallonie nằm tại miền nam nước Bỉ, chiếm 55% diện tích và 33% dân số toàn nước Bỉ, được coi là sức mạnh kinh tế của Bỉ với tiềm năng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ logistic. Wallonie cũng được coi là cửa ngõ để vào Châu Âu vô cùng thuận tiện.