Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 11

In

alt  Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 11 được tổ chức bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Nay Pyi Taw, Myanmar. Tại Hội nghị, các nước thành viên đã ghi nhận những kết quả đạt được và thảo luận những vấn đề cần giải quyết để hướng tới mục tiêu AEC.

 

            Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã hoàn tất giai đoạn ba của việc thực thi kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (2012-2013) và đang chuyển sang giai đoạn thứ tư là giai đoạn thực thi cuối cùng (2014-2015). Đây là giai đoạn quan trọng xét về mặt thực thi, nhất là các nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện để đạt được mục tiêu AEC vào cuối năm 2015.

 

            Kể từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23 đến nay, ASEAN đã đạt thêm tiến triển trong việc thực thi các biện pháp của trụ cột thứ nhất (xây dựng thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất), cụ thể như sau:

            Để đẩy nhanh việc thực hiện cam kết ATIGA của ASEAN vào năm 2015, hầu hết các thuế quan trong ASEAN đã được xóa bỏ, nhiều sáng kiến giải quyết các biện pháp phi thuế quan (NTM) và thuận lợi hóa thương mại đã được đề xuất. Để nâng cao việc thực thi các quy tắc xuất xứ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN đã bắt đầu triển khai dự án thử nghiệm tự chứng nhận xuất sứ lần thứ hai vào đầu năm nay và dự kiến thực thi đầy đủ tự chứng nhận ASEAN vào năm 2015. Nghị định thư  về khung pháp lý thực thi cơ chế hải quan một cửa ASEAN đang được hoàn tất…

            Gói cam kết thứ 9 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) dự kiến được hoàn thành trong năm 2014. Các nước thành viên cũng đã kết thúc đàm phán gói cam kết thứ 6 về dịch vụ tài chính vào tháng 3/2014 và Nghị  định thư để thực thi các cam kết này sẽ được ký trong năm nay. Việc xây dựng chính sách thương mại dịch vụ ASEAN và dự kiến hoàn tất vào năm 2015. ASEAN đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy ASEAN trở thành một điểm thu hút đầu tư thống nhất, cũng như thực hiện các sáng kiến của Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN. Liên quan đến hợp tác tài chính ASEAN+3, có 25 trong số 27 bên tham gia thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) đã hoàn thành việc ký kết Hiệp định CMIM sửa đổi vào tháng 2/2014. Bên cạnh đó, trong số các ngành ưu tiên hội nhập hợp tác du lịch tiếp tục có những kết quả tốt với tỷ lệ thực thi các biện pháp trong năm 2013 là 75% theo Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN 2011-2015.

            Để tăng cường thương mại nội khối ASEAN và quan hệ thương mại khối giữa ASEAN với các đối tác, nâng cao khả năng cạnh tranh dài hạn của thực phẩm, nông sản và lâm sản. Đối với tầm nhìn ASEAN sau năm 2015, nhóm đặc trách ASEAN về xây dựng tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược đã được thành lập tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 3/2014. Các thành viên ASEAN cũng đang triển khai kế hoạch hành động về chiến lược an ninh lương thực trong khuôn khổ an ninh lương thực ASEAN giai đoạn 2015-2020. Đây là tài liệu cơ bản để giải quyết vấn đề an ninh lương thực dài hạn trong khu vực.

 

            Trụ cột thứ hai của AEC với nhiều biện pháp tiếp tục được thực hiện như: hoàn thiện các chính sách và luật pháp về cạnh tranh, kể cả thông qua trang web www.aseancompetition.org với các chỉ dẫn trực tuyến. Nghị định thư thực thi gói cam kết thứ tám về dịch vụ vận tải hàng không trong khuôn khổ AFAS kèm theo các phụ lục và Nghị định thư số hai về các thương quyền tự do thứ 5 của Hiệp định Vận tải hàng không ASEAN-Trung Quốc đã được các Bộ trưởng Giao thông Vận tải thông qua. Tính đến cuối năm 2013, ASEAN đã tiến hành rà soát giữa kỳ kế hoạch tổng thể công nghệ thông tin ASEAN 2015, trong đó cho thấy ASEAN đang đi đúng hướng để hoàn tất kế hoạch tổng thể vào năm 2015 với 2/3 các biện pháp đã được thực hiện theo tiến độ. ASEAN đã bắt đầu xây dựng tầm nhìn công nghệ thông tin ASEAN sau năm 2015 và đang trong quá trình hoàn tất cơ chế bảo vệ các cáp quang biển trong khu vực. Trong lĩnh vực thông tin và an ninh mạng, Hội đồng an ninh mạng ASEAN đã được thiết lập nhằm cũng cố sự hợp tác khu vực.

 

            Trong quá trình triển khai các biện pháp liên quan đến trụ cột thứ 3, chỉ số chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ASEAN đã được hoàn tất, nhằm đưa ra một công cụ toàn diện nhằm giám sát việc thực thi các chính sách và chương trình. Cuốn sách hướng dẫn SME hướng tới AEC 2015 đã được ra mắt vào tháng 11/2013. Báo cáo rà soát giữa kỳ kế hoạch làm việc giai đoạn II của sáng kiến Hội nhập ASEAN 2009-2015 đã được trình lên nhóm đặc trách IAI để xem xét tại hội nghị tháng 4/2014. Việc triển khai khuôn khổ ASEAN về phát triển kinh tế cân bằng được kết hợp với Ngân hàng Thế giới để xây dựng công cụ giám sát tiến trình  thực hiện các nguyên tắc AFEED của khu vực và xác định các biện pháp chính sách phù hợp.

 

            Ở trụ cột thứ tư ASEAN đang tích cực thực thi các FTA ASEAN+1, đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và chuẩn bị đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hong Kong (AHKFTA). Trong đó Hiệp định ACFTA và AKFTA đang được nâng cấp, trong khi các Hiệp định về thương mại dịch vụ và đầu tư ASEAN-Ấn Độ dự kiến được ký tại Hội nghị tham vấn các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN -Ấn Độ vào tháng 8/2014. Các cuộc đàm phán về chương trình thương mại dịch vụ, di chuyển thể nhân và đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) đã hoàn tất đáng kể các nội dung liên quan. Nghị định thư sửa đổi AJCEP sẽ được xây dựng  nhằm tổng hợp ba chương này vào hiệp định. Cùng với đó, các quan chức cao cấp kinh tế đã thông qua tài liệu phạm vi đàm phán AHKFTA và điều khoản tham chiếu cho hoạt động của Ủy ban đàm phán thương mại ASEAN –Hồng kông. Theo dự kiến, phiên họp đầu tiên của Ủy ban này sẽ được tổ chức vào tháng 7/2014 tại Hồng Kông.

 

            Đàm phán RCEP đã trải qua 4 phiên. Sau khi các nhóm công tác về các lĩnh vực then chốt được thành lập theo nguyên tắc hướng dẫn RCEP là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư tại phiên thứ nhất; các tiểu nhóm về quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa hải quan đã được thiết lập tại phiên thứ 2. Đến phiên thứ 3, bắt đàm phán các nội dung khác với việc thiết lập các nhóm về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, giải quyết tranh chấp. Tại phiên thứ 4, 16 nước tham gia tiếp tục mở rộng thảo luận sang một loạt các vấn đề nhằm tiến tới đạt được mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015.

 

            Theo chương trình nghị sự Phnom Penh về xây dựng cộng đồng ASEAN (năm 2012), ASEAN đã đưa ra các biện pháp cần thực hiện trong năm 2013 và các biện pháp ưu tiên cần thực hiện đến năm 2015. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện các biện pháp của kế hoạch tổng thể xây dựng AEC, ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được mục tiêu AEC vào năm 2015. ASEAN cần phải hoàn thành các biện pháp thuộc lĩnh vực ưu tiên mà các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng AEC đã thông qua, tăng cường hợp tác khu vực về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai khuôn khổ khu vực về đối tác công – tư. Bên cạnh đó, ASEAN cần tiếp tục phê chuẩn các hiệp định/nghị định thư ASEAN đã ký kết và hài hòa với các sáng kiến khu vực với luật pháp trong nước.

 

            Cho đến nay, mức độ nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ASEAN về AEC còn rất khác nhau. Do đó, cần phải tuyên truyền việc thực thi các mục tiêu AEC 2015 tới các bên liên quan. Chương trình nghị sự về hội nhập kinh tế của ASEAN đã được làm sâu sắc hơn trong thập kỷ trước. Yêu cầu thể chế của xây dựng cộng đồng khu vực cũng đã thay đổi và gia tăng với sự mở rộng hội nhập khu vực. Vì vậy, cải cách chiến lược và cơ cấu thể chế cần được thực hiện cùng với khuôn khổ mới và đẩy nhanh tiến trình hội nhập sau năm 2015. Sự mở rộng các hoạt động liên quan đến AEC và các vấn đề chính sách đang trở nên phức tạp hơn khi chương trình hội nhập sâu sắc hơn, ASEAN cần một Ban Thư ký ASEAN có thể hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp hơn.

           

Trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp hơn, ASEAN cần duy trì vai trò trung tâm và tạo thuận lợi cho hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Trung tâm kinh tế đang dịch chuyển sang Châu Á, bao gồm sự nổi lên của Trung Quốc, Ấn Độ, điều quan trọng hiện nay đối với  ASEAN là cần trở thành một cộng đồng thực sự thành công và thực sự mang lại lợi ích cho công dân trong khu vực cũng như nâng cao vai trò của ASEAN ở khu vực Đông Á và nền kinh tế toàn cầu, việc theo đuổi mục tiêu hội nhập sau năm 2015 của ASEAN cần phải dựa vào sự hiểu biết và cam kết về AEC.

 

Nguồn: Trần Thị Minh Tuyết (Văn phòng UBQG về HTKTQT)