Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ đưa sản phẩm nông, thủy sản địa phương vào hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.

In

Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh năm 2014 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 2215/QĐ-UBT ngày 03/10/2013, nhằm hỗ trợ các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm đồng thời kết nối các đơn vị sản xuất – phân phối với hệ thống bán lẻ hiện đại. Ngày 28/10/2014, Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh BR-VT tổ chức hội thảo “Giải pháp hỗ trợ đưa sản phẩm nông, thủy sản địa phương vào hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.

 

 Hình giải pháp nông sản

 

 Tham dự hội thảo có đại biểu các sở, ngành liên quan như: Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, Chi cục Phát triển Nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp; các đại diện của hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh (Siêu thị Co.opMart Vũng Tàu, Bà Rịa,) và hơn 20 đại biểu đến từ các đơn vị sản xuất là doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

 

Qua thảo luận, các ý kiến từ phía đại biểu của đơn vị sản xuất đa phần đều cho rằng: khó khăn lớn nhất của các đơn vị trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm là vốn ít, số lượng sản phẩm nhỏ, chất lượng không đồng đều và chưa đạt tiêu chuẩn VietGAP, bao bì và đóng gói chưa bảo đảm bảo quản chất lượng hàng hóa, chưa đủ khả năng ổn định giá bán theo thời gian dài, giao nhận đúng thời gian và quan trọng nhất là hầu hết các đơn vị sản xuất đều chưa xây dựng được thương hiệu, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm và những thủ tục pháp lý liên quan nên khó tham gia vào chuỗi cung ứng trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại. Về phía đại diện các siêu thị (Co.op Mart Vũng Tàu) có ý kiến như sau: kết nối hàng vào siêu thị không khó chỉ cần các sản phẩm sản xuất đạt được đầy đủ các chứng nhận về điều kiện an toàn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước thì siêu thị sẽ cử đại diện tiến hành xem xét đàm phán kết nối ngay.

 

Tại hội thảo các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các đơn vị sản xuất kết nối đưa hàng hóa vào siêu thị như:

Sở Công Thương cần đẩy mạnh việc thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường thông tin giá cả thị trường, tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX. Thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa cho các doanh nghiệp, HTX gặp gỡ, học tập kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước. Đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm cho HTX, doanh nghiệp trong quá trình thâm nhập sản phẩm vào siêu thị, hệ thống bán lẻ.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực kêu gọi, vận động các doanh nghiệp ký kết hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có chính sách ưu đãi đảm bảo cho người nông dân, HTX yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.  Xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, lãi suất, giá thuê đất, giống... nhằm kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh công tác khuyến nông chuyển giao khoa học công nghệ cho người nông dân, tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại chuyên ngành  hàng năm, tăng cường  thông tin thị trường, tham gia hội chợ triển lãm. Hỗ trợ và hướng dẫn tạo điều kiện cho người dân thực hiện các giấy tờ pháp lý để có thể đưa sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ (giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình sx rau an toàn, phiếu kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu về đất, nước theo quy định…). Tăng cường công tác tuyên truyền; hỗ trợ nâng cao năng lực của HTX, hướng mục tiêu sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, HACCP, sản phẩm sạch. Hỗ trợ xây dựng điểm bán RAT và tổ chức hội nghị khách hàng.

 

Liên minh HTX làm đầu mối liên kết các HTX, các cơ sở lại với nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX

 

Các nhà phân phối bán lẻ hiện đại cần chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu hàng hóa mua vào (chủng loại, số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian …) đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế tài chính, thanh toán tiền hàng cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất sản phẩm của địa phương, xây dựng nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, bền vững.

 

Các doanh nghiệp, HTX sản xuất trên địa bàn Tỉnh: cần liên hệ trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để nắm thông tin và được sự hỗ trợ về mặt pháp lý về giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP,  giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình rau an toàn, phiếu kiểm tra xét nghiệm các chỉ tiêu về đất, nước theo quy định, quy cách đóng gói, bao bì sản phẩm,...... Các HTX, cơ sở sản xuất cần chủ động liên kết lại với nhau để tạo mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có chất lượng, đảm bảo VSATTP, giá cả và số lượng ổn định.

 

Cuối buổi hội thảo, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cũng đã tiếp cận đại diện các nhà phân phối cùng trao đổi thông tin cụ thể và kết nối với nhau. Dự kiến những buổi hội thảo như thế này cũng sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

  TTXTTM BR-VT