Hội thảo Kết nối hàng hóa vào các hệ thống phân phối tỉnh BR-VT

In

Căn cứ Quyết định số 2533/QĐ-UBND ngày 14/11/2014 của UBND tỉnh phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại năm 2015 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung tâm Xúc tiến Thương mại tổ chức Hội thảo “Kết nối hàng hoá vào các hệ thống phân phối tỉnh BR-VT”.

Untitled

Bà Bùi Thị Dung – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh BR-VT phát biểu tại Hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Lãnh đạo Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Phát triển Nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, các đại diện của hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh (Siêu thị Co.opMart Vũng Tàu, Siêu thị Co.opMart Bà Rịa, Lotte Mart, Metro Cash) và 31 đại biểu đến từ các đơn vị sản xuất là doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; đại diện các cơ quan báo, đài phát thanh truyền hình tỉnh tham gia đưa tin.

 Tại Hội thảo, thông qua ý kiến của đại diện các đơn vị phân phối  và sản xuất cho thấy khó khăn lớn nhất trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm là vốn ít, số lượng sản phẩm ít, chất lượng không đồng đều và chưa đạt tiêu chuẩn VietGAP, bao bì và đóng gói chưa bảo đảm bảo quản chất lượng hàng hóa, chưa đủ khả năng ổn định giá bán theo thời gian dài, giao nhận đúng thời gian và quan trọng nhất là hầu hết các đơn vị sản xuất đều chưa xây dựng được thương hiệu, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm và những thủ tục pháp lý liên quan nên khó tham gia vào chuỗi cung ứng trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại. Ngoài ra, một số ý kiến còn cho rằng cơ chế quản lý trong các siêu thị hiện nay vẫn còn tồn tại những bất cập trong các công đoạn giao nhận hàng hóa dẫn đến việc tăng các chi phí kèm theo như vậy sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cung ứng hàng hóa.

Theo ý kiến của đại diện các siêu thị để có thể xâm nhập vào kênh phân phối hiện đại, có 3 điểm cơ bản nhất mà các doanh nghiệp cần phải đáp ứng. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là hàng hóa phải có chất lượng ổn định. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư, áp dụng công nghệ nâng cao năng suất lao động. Tiếp đến, các doanh nghiệp phải đảm bảo được các điều kiện cung ứng vì nếu hàng vào siêu thị rồi mà không tới được điểm bán thì cơ hội bán hàng cũng sẽ mất đi. Và cuối cùng là hàng hóa muốn vào siêu thị phải phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng. Cùng một mặt hàng, cùng một chất lượng nhưng các sản phẩm có tính độc đáo sẽ luôn được ưu tiên.

Theo quy định, để đưa được một loại sản phẩm vào siêu thị thì mặt hàng đó phải có đầy đủ các thủ tục cần thiết như: giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể, thương hiệu, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm sản phẩm, tem, nhãn, bao bì, sản lượng cung ứng theo yêu cầu và thời gian cung ứng hàng vào hệ thống…; trong khi đó quy mô sản xuất của các HTX trên địa bàn còn nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng đủ các yêu cầu. Do đó, để mặt hàng nông, thuỷ sản địa phương vào được siêu thị, cần có sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, các HTX sản xuất nông nghiệp và bản thân các nhà bán lẻ hiện đại tạo điều kiện.

Thông qua hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng kết nối vào các hệ thống phân phối, đặc biệt là các hệ thống siêu thị và hướng giải quyết đầu ra cho sản phẩm địa phương như:

+ Xây dựng mô hình kết nối với một DN địa phương, trong đó nông dân sản xuất sẽ làm vệ tinh cung cấp nông sản cho đơn vị này. Sau đó, đơn vị sẽ đứng ra làm đầu mối kết nối cung ứng trực tiếp cho siêu thị. Hoặc hỗ trợ thành lập các hội, nghề, từ đầu mối này các siêu thị sẽ hợp tác được tốt hơn.

+ Đầu tư tốt về mặt pháp lý cho hàng hóa, đáp ứng  được các loại giấy tờ chứng minh chất lượng hàng hóa từ cơ quan chức năng sẽ thuận lợi hơn trong hợp tác.

+ Nâng cao năng lực về chuyên chở, bảo quản hàng hóa từ DN đến siêu thị đảm bảo chất lượng hàng hóa theo yêu cầu.

+ Xây dựng điểm trưng bày và giới thiệu hàng hóa chung cho sản phẩm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 Hội thảo đã tạo điều kiện kết nối cung - cầu giữa các siêu thị, các đơn vị sản xuất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia tìm hiểu, trao đổi thông tin, liên kết hợp tác cung ứng, phát triển và tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa. Đây là việc làm thiết thực trong xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ nội địa, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững, khai thác được tiềm năng thế mạnh các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh, tạo điều kiện cho dịch chuyển cơ cấu sản xuất và cơ cấu sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động. Ngoài ra thông qua  Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc khi kết nối hàng hóa vào hệ thống siêu thị và được đại diện các hệ thống này phúc đáp chi tiết. Từ đó, các đơn vị sản xuất nắm bắt rõ hơn quy trình kết nối hàng hóa vào siêu thị đồng thời ý thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá và các thủ tục pháp lý cho sản phẩm của mình. Đây cơ hội để các đơn vị sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

TTXTTM BR-VT.