Xúc tiến thương mại với sự phát triển của du lịch Việt Nam

In

Ngày 22/8/2013, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) đã tổ Hội thảo với chủ đề “Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam”. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Đỗ Thắng Hải đã gửi tới Hội thảo bài tham luận dưới đây.

 

  Xúc tiến thương mại với sự phát triển của du lịch Việt Nam

 

Đang khơi dậy tiềm năng

Với lịch sử hào hùng trải qua hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ tổ quốc, và với ưu đãi của thiên nhiên, Việt Nam có “trữ lượng du lịch” hùng hậu, đã và đang được khai thác, nhất là từ khi bước vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi sướng và lãnh đạo.

Đóng góp cho sự phát triển của du lịch đã trở thành ý chí và tình cảm của bất cứ một tổ chức và cá nhân nào vì sự phồn vinh của đất nước, bù đắp những mất mát sau nhiều năm chiến tranh, giặc dã cũng như sự băng hoại do thiên nhiên. Không gian du lịch được rộng mở, nội hàm phong phú, sinh động, hấp dẫn du khách bốn phương muốn khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn Việt Nam và để mỗi người dân Việt dù ở bất cứ nơi đâu vẫn tự hào hướng về nguồn cội.

Ý thức được tầm vóc của việc này, những tổ chức và cá nhân làm xúc tiến thương mại (XTTM) cả nước, phát huy lợi thế từ hoạt động XTTM ở trong và ngoài nước đã góp sức phát triển du lịch mà một trong những trọng điểm là xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu du lịch.

Xúc tiến  thương mại thúc đẩy phát triển du lịch

Xúc tiến  thương mại thúc đẩy phát triển du lịch được thông qua các Hội chợ triển lãm tổ chức ở trong nước hay tham gia các sự kiện đó ở nước ngoài, nhất là hạng mục thuộc Chương trình XTTM quốc gia.

Hầu hết các cuộc hội trợ triển lãm với quy mô khác nhau tổ chức ở trong nước, đều có các gian hàng chuyên về du lịch. Trong các dịp tham gia Hội chợ triển lãm tại nước ngoài, sản phẩm thường được trưng bày phối cảnh với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN hàng năm tại Nam Ninh, Trung Quốc, đều có Khu Gian hàng các thành phố đẹp. Xem đây là cơ hội tốt cho việc quảng bá du lịch nước nhà, nên đều dàn dựng công phu gian hàng giới thiệu những thành phố danh tiếng về du lịch như Hạ long, Nha Trang, Đà Lạt và năm nào cũng được Ban Tổ chức Hội chợ đánh giá là một trong những gian hàng tiêu biểu.

Ngược lại trong những Lễ hội khai trương mùa du lịch hàng năm theo các chủ đề như: du lịch về nguồn, du lịch biển đảo, du lịch các vùng kinh tế trọng điểm..., các tổ chức XTTM đều mở các hội chợ triển lãm, làm sinh động các sự kiện du lịch.

Một trong những đặc trưng Văn hoá làng xã Việt Nam là Làng nghề. Gía trị các làng nghề được nhân lên qua Phong trào “Mỗi làng nghề một sản phẩm - OVOP”, khích lệ mỗi làng nghề tạo ra những sản phẩm truyền thống đặc sắc để xuất khẩu và để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Sự hoà quyện giữa đời sống kinh tế với nét đẹp văn hoá trong một làng nghề như một cơ duyên kết nối thương mại với du lịch. Là địa phương hàng đầu về lực lượng làng nghề, Hà Nội đã lựa chọn 15 làng nghề có bề dày lịch sử, danh tiếng lan truyền, lập thành các tour du lịch như Khảm trai Chuôn Ngọ - thêu Thắng lợi - sơn mài Hạ Thái; Mây tre đan Phú Vinh - lụa vạn Phúc - điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng; Gốm sứ Bát Tràng - may da, vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ...Cũng là địa danh phong phú làng nghề, Bắc Ninh nhắm các làng tranh Đông Hồ, gốm Phú Lãng, đúc đồng Đại Bái, sơn mài Đình Bảng, chạm khắc gỗ Phù Khê, mây tre đan Xuân Lai... đưa vào "bản đồ" du lịch .

Thương hiệu du lịch là một trong những nội dung được xác lập trong Chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu Việt Nam mà tâm điểm là Chương trình thương hiệu quốc gia (THQG). Chương trình THQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ  2003, giao cho Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương ) là Cơ quan thương trực, phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai trong nhiều năm qua trên ba mặt chính. Môt là, giúp các doanh nghiệp (DN) nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu. Hai là, Tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các thương hiệu ở trong và ngoài nước. Ba là, Lựa chọn DN có sản phẩm đạt THQG. Khi triển khai các hoạt động nói trên, các DN du lịch luôn là những đối tượng được quan tâm, đồng thời các DN du lịch cũng chủ động tham gia Chương trình. Qua 3 lần lựa chọn vào những năm 2008, 2010, 2012, Công ty Du lịch Dịch vụ Lữ hành Saigontuorist đều được công nhận  đạt THQG. Trong lần lựa chọn thứ 3 năm 2012 Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel, đứng trong đội ngũ DN đạt THQG.

Việc quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm là một phương tiện quan trọng. Trên các ấn phẩm đó những sản phẩm được lồng ghép trong cảnh trí thiên nhiên, hình ảnh con người.

Lĩnh vực du lịch luôn là một trong những nội dung hợp tác với các tổ chức XTTM quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bật là với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) và Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch ASEAN - Hàn Quốc (AKC). Cục Xúc tiến thương mại, được thay mặt Bộ Công Thương thực hiện chức năng cơ quan đầu mối của phía Việt Nam  với hai Trung tâm nói trên, nên thường phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, tổ chức các hoạt động du lịch trong những sự kiện XTTM diễn ra tại Nhật Bản và tại Hàn Quốc. Năm 2012, trong khuôn khổ hoạt động của AJC, Tổng cục Du lịch đã tham gia: Chương trình giao lưu du lịch cho thanh niên các nước Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam tại Nhật Bản; dự Khóa đào tạo nâng cao chất lượng, dịch vụ du lịch dành cho các nước Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam tại Thái Lan.

Việc xây dựng thương hiệu du lịch là quan trọng, nhưng việc bảo vệ thương hiệu còn quan trọng hơn. Công ty du lịch Bến Thành - (Bến Thành tourist) do sơ hở pháp lý nên bị đơn vị khác sử dụng tên gần giống Bến Thành tourist để chào khách, khi phát hiện ra đòi lại khá vất vả.

Xâu chuỗi những sự kiện trên, minh chứng rằng giữa XTTM và XT du lịch đã hoà quyện, làm tiền đề lẫn nhau. Vì vậy cũng như trong thương mại, việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch càng phải được quan tâm, có bài bản, vừa là yêu cầu trước mắt vừa có tính chiến lược, để tương xứng với tầm vóc của du lịch Việt Nam đang khởi sắc trong hành trình hội nhập và phát triển.

Phương huớng

Mục tiêu

Xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, đạt chuẩn quốc tế đi đôi với việc bảo vệ thương hiệu. Nâng cấp thương hiệu du lịch địa phương thành thương hiệu du lịch quốc gia. Thương hiệu quốc gia thành thương hiệu du lịch chuẩn quốc tế. Ưu tiên hoạt động này đối với các Trung tâm kinh tế lớn, các dịch vụ có lợi so sánh.

Giải pháp

1. Tăng cường đầu tư, tiếp tục bổ sung chính sách tạo hành lang pháp lý, đổi mới chỉ đạo, điều hành việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu du lịch. Đẩy mạnh liên kết các vùng miền, phối hợp  XTTM và XT đầu tư

2. Xây dựng năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu cho DN du lịch thông qua cung cấp thông tin cập nhật, sàng lọc, phân tích dự báo để mỗi DN nâng cao năng lực tiếp cận thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Ưu tiên các DN đã hoặc có triển vọng đạt THQG được đào tạo, học tập kinh nghiệm ở trong ngoài nước.

3. Hỗ trợ phát triển mạng lưới đại lý du lịch ở trong và ngoài nước, nhất là những đơn vị đã có thương hiệu. Giới thiệu các đơn vị du lịch hoặc loại hình dịch vụ với các tổ chức XTTM - đầu tư - du lịch quốc tế, Phòng Thương mại các nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và của nước ngoài tại Việt Nam...Tranh thủ DN Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào những hoạt động trên.

4 . Đẩy mạnh tuyên truyền những hoạt động xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu du lịch. Nâng cao chất lượng và chủ động phát hành các ấn phẩm quảng bá về đất nước con người, về các cơ sở và loại hình du lịch. Cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động này cho các cơ quan thông tin - truyền thông có uy tín.

5 . Tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hội thảo về thương hiệu du lịch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng và kỹ năng xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu.

6. Kiến tạo mô hình xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu một số DN, dịch vụ đặc trưng có vị thế trên thương trường du lịch. Áp dụng Chương trình phát triển tài sản sở hữu trí tuệ để xây dựng và bảo vệ các chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ Việt Nam của những DN và dịch vụ đó.

7. Phối hợp với các hiệp hội, các làng nghề để phát triển du lịch. Ngành Du lịch tư vấn, hỗ trợ mỗi làng nghề tạo ra những sản phẩm đặc trưng hấp dẫn du khách; tôn tạo các giá trị lịch sử, văn hoá địa phương; phát triển các loại hình dịch vụ; trang bị kiến thức du lịch cho người dân bản địa; xây dựng Nhà truyền thống giới thiệu các sản phẩm cùng quá trình phát triển làng nghề.

8. Hiệp đồng các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học để điều tra, đánh giá về hình ảnh du lịch Việt Nam trong tiềm thức của nước ngoài, trong đó ưu tiên đối với các cơ sở du lịch và loại hình dịch vụ có thương hiệu. Đào tạo đội ngũ chuyên gia xây dựng và quản trị thương hiệu du lịch.

9. Mở rộng hợp tác quốc tế về thương hiệu du lịch để để được hỗ trợ kỹ thuật, tài lực, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ./.