Thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Myanmar

In

 

Chiều 13/5/2014, tại trụ sở Chính Phủ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp Myanmar U Maung Myint đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Nhấn mạnh việc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đang tiến triển tích cực nhưng chưa xứng với tiềm năng và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần rà soát lại để thúc đẩy mạnh mẽ 12 lĩnh vực mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất như: thủy sản, dầu khí, viễn thông, hàng không, năng lượng…

 

du-lich-myanmar-sen-vangjpg1

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ trưởng U Maung Myint phối hợp với Bộ trưởng Công thương Việt Nam thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Myanmar, trong đó có việc sớm cấp phép mở Ngân hàng tại Myanmar. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Myanmar.

Ngày 14/5/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng U Maung Myint tại trụ sở Bộ Công Thương. Hai Bộ trưởng đã trao đổi tìm cách giải quyết những vấn đề tồn tại, tháo gỡ khó khăn cản trở quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước và khai thông, thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp-thương mại.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới: khuyến khích, tạo điều kiện, tăng cường hơn nữa việc trao đổi đoàn các cấp, trao đổi đoàn doanh nghiệp nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư; tăng cường hơn nữa việc trao đổi thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến chính sách thương mại và đầu tư; nghiên cứu, xem xét khả năng đàm phán và ký kết các hiệp định khung, bản ghi nhớ hợp tác nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các quan hệ hợp tác giữa hai nước; xem xét khả năng hợp tác đầu tư trực tiếp trong các lĩnh vực công, nông nghiệp hoặc cùng nhau đầu tư vào nước thứ 3 nhằm tận dụng thị trường xuất khẩu của khu vực Đông Á, Nam Á và Trung Đông; đồng thời, đề nghị phía Myanmar tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nước này.

Bộ trưởng U Maung Myint cũng đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn của doanh nghiệp Myanmar khi hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nêu những ưu đãi để các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn khi đầu tư vào thị trường Myanmar. Theo Bộ trưởng U Maung Myint, Việt Nam và Myanmar là hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, kinh tế, cùng là thành viên của ASEAN. Chính phủ hai nước luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước. Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong danh sách các nhà đầu tư tại Myanmar, tuy nhiên con số đầu tư vẫn còn khiêm tốn và không thuộc lĩnh vực công nghiệp.

Ông U Maung Myint cho biết mục địch chuyến thăm Việt Nam lần này là tìm kiếm đối tác  thúc đẩy hợp tác giữa hai nước  trên lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực hóa chất, phân bón, thép, máy nông nghiệp… Ông U Maung Myint khẳng định, Chính phủ Myanmar sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Myanmar.

Một số mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Myanmar như: dệt may, da giày, sắt thép các loại, sản phẩm nhựa/chất dẻo, hóa chất, phân bón, sản phẩm hàng gia dụng, sản phẩm cơ khí và thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, các sản phẩm nông sản và lương thực (chè, hạt tiêu, hạt điều, gạo, rau quả, cà phê, cao su), các sản phẩm vật liệu xây dựng, v.v…Ngược lại, các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ Myanmar, gồm: khoáng sản, nguyên vật liệu và các sản phẩm thô phục vụ cho sản xuất trong nước, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả và các loại sản phẩm thủy sản các loại.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, đoàn Myanmar đã làm việc cùng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, như: Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Thép, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam…

                                                                   Theo Bản tin XK – Cục XTTM