TPP với lao động ngành dệt - may Việt Nam: đó là cơ hội chứ không phải “quả ngọt”

In

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia có 12 nước chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới. Tham gia hiệp định này, NLĐ Việt Nam, trong đó có NLĐ ngành dệt - may sẽ được lợi gì? Ông Nguyễn Tùng Vân - Chủ tịch CĐ Dệt - May Việt Nam - đánh giá:

 

Tham gia TPPNLĐ có cơ hội để thực hiện những quyền lâu nay được luật pháp quy định nhưng không phải khi nào cũng được thực hiện. Việt Nam (VN) tham gia TPP, cơ hội việc làm cho NLĐ, trong đó có NLĐ ngành dệt - may tăng lên. Đây là điều có lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ cũng cần lưu ý: đây là cơ hội chứ không phải “quả ngọt” để được tự nhiên hưởng thụ. Muốn có những thứ để hưởng thụ phải tận dụng tốt cơ hội, phải tạo ra thành quả do cơ hội mang lại. Không chỉ TPP, ngay cả AEC (ASEAN trở thành một khối thống nhất vào ngày 31.12.2015) cũng là điều tốt cho NLĐ với cơ hội việc làm tăng lên, nhưng một lần nữa xin NLĐ cần lưu ý, đó mới chỉ là cơ hội.

 

Dệt may

 

NLĐ ngành dệt - may VN sẽ đối mặt với những thách thức nào khi VN tham gia TPP?

- Khi VN tham gia TPP, cơ hội mở ra thị trường LĐ là rất lớn. Với ngành dệt - may VN nói riêng, nó không chỉ tạo ra số việc làm nhiều lên cho NLĐ mà còn đòi hỏi chất lượng LĐ trong ngành cũng phải được nâng cao hơn. Bởi khi đó, những tiêu chuẩn về LĐ, về môi trường làm việc đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Không những phải đảm bảo về tác phong công nghiệp theo yêu cầu của các chủ sử dụng LĐ, đặc biệt là các chủ DN đến từ các đầu tư nước ngoài, mà NLĐ còn phải đáp ứng được các quy định do TPP đưa ra cũng như các thông lệ quốc tế phải tuân thủ. NLĐ phải nâng cao ý thức LĐ, kỷ luật LĐ, nâng cao tay nghề, tự tạo cho mình cơ hội tốt hơn trong việc lựa chọn việc làm, thậm chí là ngành nghề, vì tất yếu sẽ có sự dịch chuyển LĐ do có sự cạnh tranh về đãi ngộ, tiền lương và điều kiện LĐ.

Cũng cần nói thêm, bên cạnh các cơ hội về mở rộng sản xuất và tăng cường xuất khẩu hàng hóa, các DN VN cũng gặp những thách thức rất lớn trong cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là về trình độ quản trị DN, về công nghệ và kỹ thuật tiên tiến (là 2 yếu tố có tác động gần như quyết định đến năng suất LĐ). Ngoài ra, DN còn gặp thách thức khi thị trường LĐ hoạt động mạnh hơn khiến biến động LĐ cũng lớn hơn. Đây chính là vấn đề có tác động không tốt đến sự ổn định của DN cũng như việc nâng cao năng suất của DN, làm ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận NLĐ.

 

CĐ Dệt - May VN và lãnh đạo ngành có những giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi VN tham gia TPP?

 Trước các thách thức nói trên, ngành dệt - may VN sớm có những nghiên cứu, tìm hiểu về nội dung và cơ hội khi VN tham gia TPP. Trên cơ sở đó, ngành xây dựng những kế hoạch có tính chiến lược để phát triển với những quy hoạch về địa lý, mặt hàng, cơ hội khai thác các nguồn lực hiện có của VN cũng như tận dụng tốt những cơ hội, nguồn lực đến từ TPP. Hiện nay, ngành xây dựng các cơ sở tại nhiều tỉnh, thành phố có lợi thế về nguồn lực LĐ, thuận lợi về giao thông, môi trường. Bên cạnh đó, ngành chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển các ngành phụ trợ cho sản xuất, kinh doanh hàng dệt - may.

 

Riêng về lực lượng LĐ, CĐ Dệt - May VN cùng các tổ chức liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ nhận thức và đáp ứng được những đòi hỏi về tác phong công nghiệp, các quy định của TPP, các thông lệ quốc tế… Đồng thời chỉ đạo các CĐCS rà soát toàn bộ các TƯLĐTT, các nội quy LĐ để có sự chuẩn bị một cách chủ động, tránh lúng túng về các vấn đề liên quan đến quan hệ LĐ, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

 

Nguồn Nguoilaodong.com.vn.